Bão số 3 (WIPHA) tiến sát biển Đông: Cát Hải chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó toàn diện
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (WIPHA) đang di chuyển nhanh vào biển Đông với sức gió giật cấp 12 và nguy cơ rủi ro thiên tai cấp độ 3, Ủy ban nhân dân Đặc khu Cát Hải đã khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo toàn hệ thống chính trị vào cuộc, sẵn sàng phương án "4 tại chỗ" nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 19/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc, 119,0 độ Kinh Đông – trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 9–10, giật cấp 12. Trong 72 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20–25km/h và tiếp tục mạnh thêm.
Trước tình hình đó, UBND Đặc khu Cát Hải đã chỉ đạo quyết liệt đến thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và trưởng các thôn triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ:Tăng cường trực ban, sẵn sàng lực lượng ứng cứu. Tất cả các Thôn, đơn vị trên địa bàn phải tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát sao diễn biến bão, chủ động lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn, đảm bảo tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Việc báo cáo thường xuyên phải được thực hiện đầy đủ về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự đặc khu.
Đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo kịp thời: Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao đặc khu và trưởng các thôn được giao nhiệm vụ đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền liên tục về diễn biến của bão số 3 để người dân chủ động phòng tránh, nhất là các hộ dân ven biển, vùng trũng thấp và nuôi trồng thủy sản.
Bảo vệ người và tài sản vùng ven biển, hải đảo: Đồn Biên phòng Cát Bà, Cát Hải và Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà nhanh chóng thông báo, hướng dẫn tàu thuyền, bè nuôi trồng thủy sản di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm; sẵn sàng kế hoạch di dời, neo đậu an toàn. Đồng thời, kiểm đếm, giữ liên lạc chặt chẽ với chủ phương tiện để xử lý các tình huống xấu.
Chủ động phòng, chống ngập úng, sạt lở và đảm bảo an toàn công trình: Các cơ quan chuyên môn và địa phương được yêu cầu khẩn trương rà soát các khu vực có nguy cơ cao sạt lở, tốc mái, ngập úng; có phương án sơ tán dân cư, bảo vệ công trình trọng yếu và đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi. Các công trình đang xây dựng cũng phải dừng thi công, gia cố, bảo vệ thiết bị, vật tư.
Lực lượng vũ trang vào vị trí sẵn sàng: Ban Chỉ huy Quân sự đặc khu và lực lượng dân quân tự vệ được huy động sẵn sàng hỗ trợ ứng phó, đặc biệt tại các điểm xung yếu như đảo Cát Hải và Nam Phù Long. Các phương án hỗ trợ, ứng cứu sau bão cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, với 100% quân số ứng trực.
Vệ sinh môi trường, đảm bảo hạ tầng đô thị: Ban Quản lý dự án đặc khu chủ trì triển khai dọn dẹp, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải, tháo dỡ biển quảng cáo nguy hiểm và đảm bảo hệ thống chiếu sáng an toàn. Công tác bảo vệ cây xanh, thoát nước và đảm bảo giao thông thông suốt trước và sau bão cũng được đặc biệt lưu ý.
Chủ tịch UBND đặc khu – ông Phan Viết Điện – nhấn mạnh: "Tuyệt đối không được chủ quan. Các Thôn, đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, chuẩn bị tốt nhất mọi phương án, trong đó phương châm 'bốn tại chỗ' vẫn là trọng tâm trong phòng chống thiên tai. Mỗi người dân, mỗi cán bộ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động quyết liệt để bảo vệ chính mình, cộng đồng và tài sản của địa phương."
Với sự chủ động và chỉ đạo quyết liệt, Cát Hải đang tập trung cao độ, sẵn sàng mọi kịch bản ứng phó, quyết tâm không để thiệt hại lớn xảy ra khi bão đổ bộ./.