10/10/2013
DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC CÁI BÈO
DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC CÁI BÈO
Thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng
(Di tích Khảo cổ học cấp Quốc gia theo Quyết định
số 317/QĐ ngày 22/ 01/ 2009 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch)
Di tích Khảo cổ học Cái Bèo (hay còn gọi là Di chỉ Cái Bèo) nằm ở bờ Đông Nam đảo Cát Bà, có niên đại trước nền văn hóa Hạ Long. Di chỉ này được phát hiện vào năm 1938 trong lần tiến hành thám sát khảo cổ học ven biển khu vực liên quan thuộc vùng vịnh Hạ Long ngày nay. Di chỉ Cái Bèo khai quật được hơn 479 công cụ như chày, bàn nghiền, bàn mài, hòn kê, rìu bôn, đục, chì lưới… bằng đá cuội. Đồ gốm thô cứng làm từ đất sét và cát hạt khô, bếp, di cốt người; các xương răng động vật, xương thú như lợn rừng, nai, dê núi.
Kết quả thám sát cho thấy, Cái Bèo là di tích khảo cổ thềm biển có quy mô lớn, địa tầng dày, có tổ hợp di tích và di vật phong phú. Những vết tích văn hóa ở đây đã phản ánh sự phát triển kế tiếp từ trung kỳ đá mới - đặc trưng cho nền văn hóa Cái Bèo, sang hậu kỳ đá mới - đặc trưng cho văn hóa Hạ Long. Theo PGs.Ts Nguyễn Khắc Sử, di chỉ khảo cổ Cái Bèo là một trong những di tích quý hiếm nhất của vùng duyên hải Bắc bộ. Đây là một làng chài ven biển cổ có quy mô lớn nhất hiện được biết ở Việt Nam.
Di chỉ Cái Bèo được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2009. Đây không chỉ là di sản văn hóa biển tiêu biểu, đặc sắc của Việt Nam mà còn là bảo tàng địa chất tuyệt vời về sự dao động mực nước biển đại dương.
Một số hình ảnh về Di chỉ Cái Bèo
Phòng VHTT-TT&DL