Trường TH&THCS Văn Phong – 60 năm một chặng đường phát triển.
Văn Phong là một vùng quê giàu truyền thống văn hóa- lịch sử, truyền thống yêu nước và cần cù lao động. Là địa phương có ít lợi thế để phát triển kinh tế, điều kiện sản xuất khó khăn, nhưng đây lại là vùng đất hiếu học từ bao đời nay. Và trên mảnh đất này, thật vinh dự tự hào khi ngôi trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Phong đã là nơi chắp cánh cho biết bao thế hệ học trò học tập và trưởng thành. 60 năm qua, được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cát Hải, xã Văn Phong, sự đùm bọc, hỗ trợ của nhân dân địa phương, trường TH&THCS Văn Phong đã trưởng thành và phát triển. Các thế hệ thầy giáo, cô giáo của nhà trường đã vun đắp truyền thống hiếu học, tạo nền tảng vững chắc phát triển phong trào giáo dục của xã.
Trường TH&THCS Văn Phong - tiền thân là Trường cấp 2 Văn Phong, được thành lập vào ngày 29/12/1962, tại thôn Phong Niên, xã Văn Phong. Thời gian đầu đi vào hoạt động, nhà trường có 2 lớp học, chưa có phòng học, phải đi học nhờ nhà dân, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn. Năm 1962 trường bắt đầu được xây dựng. Đây là ngôi trường thứ hai được xây dựng tại huyện đảo thời bấy giờ, với ba phòng học. Ngày 29 tháng 12 năm 1962 các lớp học nhờ trong dân được chuyển về học tại trường gồm 4 lớp học (2 lớp 5, 1 lớp 6 và 1 lớp 7 ) với 21 học sinh, là con em của người dân 3 xã Hoàng Châu, Nghĩa Lộ, Văn Phong. Ngày mới thành lập trường có tên là trường cấp II Văn Phong, do thầy thầy Phạm Văn Lãng quê ở Thái Bình làm hiệu trưởng và cùng 7 thầy cô giáo là các thầy cô là Nguyễn Xuân Căn, Nguyễn Văn Hường, Phùng Quỳnh, Đặng Xuân Bảo, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Thị Ngọc, Ngô Văn Ruyền. Các thầy cô phần đông đến từ các địa phương trong đất liền, điều kiện công tác khó khăn, phải trọ trong dân, nhờ dân nuôi dưỡng. Thời kỳ đầu thành lập, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với sự cố gắng của thầy và trò, sự động viên, giúp đỡ của nhân dân và chính quyền địa phương đã tiếp thêm động lực để nhà trường vượt qua bao khó khăn, trở ngại vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm 1976 học sinh hai xã Hoàng Châu, Nghĩa Lộ về học tại địa phương, Trường sáp nhập 2 cấp ( cấp 1 và cấp 2) và đổi tên là trường cấp I + II Văn Phong. Từ năm 1980 đến tháng 7 năm 2010 trường có tên là trường PTCS Văn Phong. Từ tháng 8 năm 2010 – đến nay trường đổi tên là trường TH&THCS Văn Phong.
Trong 60 năm đã có biết bao thế hệ thầy, cô giáo đã lần lượt đến với nghề dạy học tại ngôi trường này. ở thời kỳ nào thầy và trò nhà trường cũng đều đồng cam, cộng khổ, luôn đoàn kết giúp nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đóng góp tâm huyết, trí tuệ và sự sáng tạo vào xây dựng và phát triển nhà trường, từ đó hình thành nên những kinh nghiệm dạy chữ, dạy người cho các lứa học sinh.
Là 1 trường học nơi huyện đảo, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện được giao lưu, học tập cũng hạn chế hơn các trường trong đất liền. Tuy vậy cán bộ, giáo viên của nhà trường vẫn luôn nỗ lực, tự giác trong nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn; tìm tòi, sáng tạo trong giảng dạy để đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ đổi mới.
Cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, Ban Giám Hiệu nhà trường qua các thời kỳ cũng không ngừng sáng tạo, quyết tâm phấn đấu xây dựng nên một môi trường giáo dục an toàn, chất lượng. Ban giám hiệu nhà trường đã luôn tranh thủ sự giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và các ngành để từng bước xây dựng, kiên cố hoá trường lớp; mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học; đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên được tham gia các lớp học nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Các phong trào thi đua được nhà trường duy trì thường xuyên như phong trào thi đua 2 tốt gắn với các cuộc vận động của ngành ở từng giai đoạn như: cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” phòng trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.v.v. Chính điều đó đã tạo nên động lực thi đua trong mỗi thầy giáo, cô giáo.
Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ thầy giáo, cô giáo, từ mái trường này, nhiều thầy, cô giáo đã trưởng thành, với ngọn lửa nhiệt huyết, thấm đẫm lòng yêu nghề mến trẻ, đã xây dựng nên những trang sử truyền thống tốt đẹp, rạng ngời cho ngôi trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Phong. Đã có hàng trăm lượt thầy giáo, cô giáo được khen thưởng là lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi các cấp. Có nhiều sáng kiến được các thầy cô áp dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và được ghi nhận. Trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của trường, rất đỗi tự hào là đã góp phần bồi dưỡng những cán bộ quản lý giỏi về chuyên môn nghiệp vụ ,tài về có năng lực quản lý cho ngành giáo dục thành phố như các thầy giáo: Nguyễn Mai Đức, Trần Văn Cửu, Hà Trí Dũng, Nhữ Như Nhiên; Vũ Minh Châu; Bùi Duy Lập; Nguyễn Anh Ca ; Phạm Hữu Sử hay cô Phạm Hải Anh, Nguyễn Thị Quy, Phạm Thị Thanh Mai.v.v.
Và để tiếp bước thế hệ thầy cô đi trước, thế hệ nhà giáo trường TH&THCS Văn Phong hôm nay vẫn đang ra sức thi đua dạy tốt, công tác tốt để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Những thầy, cô giáo tiêu biểu ấy là cô giáo Đỗ Thị Thu Hà, Cô Đoàn Thị Huế, Phạm Thị Quỳnh Nga, Nguyễn Thị Linh.... các thầy cô đã có nhiều năm đã đạt danh hiêu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, được công nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp thành phố, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Trải qua chặng đường hơn nửa thế kỷ phát triển, dưới sự dìu dắt của các thế hệ thầy giáo, cô giáo, nhiều thế hệ học sinh của trường tích cực học tập, rèn luyện và trưởng thành. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều học sinh của trường đã có mặt trong đoàn quân ra trận. Đội ngũ những chiến sĩ trẻ ấy, có nhiều người đã lập được những chiến công oanh liệt như học sinh khóa đầu của nhà trường như: Nguyên là đại tá – chủ nhiệm chính trị - Cục hậu cần thuộc Bộ tư lệnh Hải Quân Thành phố Hải Phòng Cao Xuân Liễn; Nguyễn Tiến Tầm ( tức Hoài Tâm ) nguyên là chiến sĩ biệt động trong nội thành những năm 1969, 1970. Không chỉ anh dũng trong chiến đấu, nhiều học sinh của trường đã nỗ lực vươn lên trong lao động, công tác và trưởng thành từ trong quân đội với tuổi đời còn rất trẻ, với năng lực dồi dào và nhiệt huyết cháy bỏng như đại tá hải quân Nguyễn Quang Vinh, thiếu tá trinh sát Phạm Văn Đoàn, thượng úy hải quân Nguyễn Văn Truất, bác sĩ quân y Nguyễn Hữu Chinh, Phóng viên báo quân đội Vũ Thanh Sơn. Có người trở thành giảng viên, Tiến sỹ, Thạc sỹ, kỹ sư như: giảng viên Vũ Ngọc Bích - Tiến sĩ, giảng viên trường GTVT thành phố Hồ Chí Minh, giảng viên Đỗ kim Dung - trường ĐHSP Hà Nội, Trần Thị Chính - Thư ký khoa luật trường Đại học luật Hà Nội; Nguyễn Ngọc Hoa -Thạc sĩ khoa học – Phó trưởng phòng cục đăng kiểm Việt Nam. Có người trở thành lãnh đạo, sỹ quan cao cấp trong ngành Toà án, Công an, Quân đội như: Đại tá Bùi Văn Sơn - Nguyên trưởng Công an huyện, đồng chí Đỗ Như A, Vũ Hồng Biên - Nguyên Chánh án toà án nhân dân Huyện, hay đồng chí Nguyễn Văn Hiền - Nguyên Phó thủ trưởng công an điều tra Hải Phòng. Nhiều cựu học sinh trưởng thành trong các cơ quan Đảng, Nhà nước giữ những vị trí quan trọng, góp phần cho việc xây dựng phát triển kinh tế của huyện và địa phương, như các đồng chí Phạm Trí Tuệ - Nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Phạm xuân Màn - Nguyên chủ nhiệm UBKT Huyện ủy, đồng chí Bùi Hồng Quân – Bí thư Đảng ủy, Bùi Công Khanh – Chủ tịch UBND xã Văn Phong; đồng chí Phạm Ninh Bình - nguyên Bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộ; Ngô Quang Tiểu – Nguyên Bí thư Đảng ủy, chủ tịch xã Hoàng Châu, hay đồng chí Đỗ Mạnh Khường, Bùi Hồng Quân- Bí Thư Đảng ủy xã Văn Phongv.v..
Bên cạnh đó, nhiều học sinh của trường, với tình yêu nghề dạy học, yêu trẻ thơ cũng đã trở thành những thầy giáo, cô giáo trở về làm nghề dạy học trên chính mảnh đất quê hương như cô giáo Lê Thị Gọn, thầy Đỗ Như Lạc, cô Đỗ Thị Bích, Đỗ Thị Loan, Nguyễn Thị Uyên, Đỗ Thị Kim Cúc, Nguyễn Thị Vinh, thầy giáo Nguyễn Văn Lại, Cô nguyễn Thị Mính, Trần Thị Loan, Bùi Thị Thiết.
Tấm gương của thế hệ học sinh lớp trước là tiền đề cho các em học sinh trường TH&THCS Văn Phong hôm nay tiếp tục thi đua rèn luyện, học tập, noi theo. Thế hệ các em học sinh hôm nay, các em đã và đang ra sức thi đua rèn luyện và học tập để trở thành những chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước. Có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và thành phố. Chất lượng giáo dục của nhà trường hàng năm đều tăng. Trong năm học 2021-2022, tỉ lệ học sinh chuyển cấp đạt 100%, chuyển lớp là 98%.
Những thành quả to lớn trong chặng đường phát triển của nhà trường, các thế hệ lãnh đạo quản lý, giáo viên, học sinh có quyền tự hào bởi đó là một quá trình quyết tâm, vững trí, vượt lên khó khăn, gian khổ vì sự nghiệp trồng người nơi đầu sóng. 60 năm - một chặng đường lịch sử với nhiều thành tích rất đỗi tự hào, chính là động lực to lớn để mỗi Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh trường TH&THCS Văn Phong hôm nay tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng dạy và học, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành GD&ĐT huyện Cát Hải. 60 năm qua, trường TH&THCS Văn Phong luôn được đánh giá là ngôi trường có sự chuyển mình tích cực, là nơi gửi trọn niềm tin yêu của cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân địa phương. Từ một ngôi trường nhỏ bé, đơn sơ, đến nay đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch sẽ, đồng bộ, với một khuôn viên bề thế, có diện tích gần 7 nghìn m2, khu lớp học 2 tầng, cùng 12 phòng học kiên cố, khu nhà hiệu bộ với đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và điều hành; 12 phòng chức năng chuyên dụng các môn Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Âm nhạc, đáp ứng yêu cầu đào tạo của ngành. Hiện nay, trường có 10 lớp học, với 302 học sinh; 18 cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 100% giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn là 84%; tỷ lệ Chiến sỹ thi đua, lao động tiên tiến đạt 67%.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường TH&THCS Văn Phong đã có nhiều năm đạt danh hiệu tập thể lao động suất xắc, được nhận bằng của Bộ GD&ĐT, của UBND thành phố và giấy khen của UBND huyện; Chi bộ nhà trường đạt trong sạch vững mạnh. Trường được công nhận đạt phổ cập TH ở mức độ 3, mức độ cao nhất; phổ cập THCS, xóa mù chữ mức độ 2.
60 năm, đã có biết bao thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên đã công tác tại mái trường thân yêu này. Nhiều người đã đi xa, có người nghỉ hưu, người đang trên bục giảng nhưng tấm lòng tất cả vì học sinh thân yêu của họ thì còn lưu lại mãi với các thế hệ thầy trò hôm nay. Họ hết sức biết ơn và trân trọng những bài học quý giá của các thế hệ thầy cô giáo, các thế hệ học sinh đi trước, vui mừng với kết quả đạt được hôm nay và hứa hẹn phấn đấu giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của Nhà trường; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những năm tới.
Chặng đường mới đang ở phía trước, dẫu còn nhiều khó khăn thách thức trước sự đổi mới ngày càng mạnh mẽ của quê hương, đất nước, song với truyền thống 60 năm, một chặng đường ghi đậm những dấu ấn của nhà trường, bằng ý chí, nghị lực của tập thể các thầy giáo cô giáo cùng với sự quan tâm tạo điều kiện, động viên cổ vũ của thành phố, địa phương, và nhất là của các bậc phụ huynh, Trường TH&THCS Văn Phong tiếp tục phấn đấu để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, thực hiện tốt vai trò: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, xứng đáng với niềm tin yêu cuả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương./.
Trung Tuyến