Mật ong - đặc sản mang thương hiệu Cát Bà
Đến Cát Bà, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng, khám phá cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú mà còn có cơ hội được thưởng thức nhiều đặc sản quê hương của núi rừng, biển cả. Ngoài sản vật từ biển, du khách còn có cơ hội tìm mua những sản phẩm địa phương mang thương hiệu nổi tiếng như Nước mắm Cát Hải hay mật ong Cát Bà.
Huyện đảo Cát Hải nằm ở phía Đông Nam thành phố Hải Phòng với diện tích 345km2 và số dân hơn 30 nghìn người. Huyện có tiềm năng kinh tế phong phú, chỉ riêng ở đảo Cát Bà, rừng chiếm 90% diện tích, trong đó có Vườn quốc gia Cát Bà là một khu rừng nguyên sinh và là một trong những khu rừng quốc gia lớn nhất đất nước với hệ động thực vật vô cùng phong phú được coi là bảo tàng sống lưu giữ những nguồn gen động, thực vật quý hiếm. Thảm thực vật ở đây thuộc kiểu rừng nhiệt đới và các loại rừng như rừng núi thấp và ven thung lũng, rừng trên núi đá dốc, rừng trên đỉnh núi cao, rừng ngập nước nội địa. Sự đa dạng của các kiểu rừng đã hình thành nên sự phong phú của khu hệ động, thực vật Cát Bà. Trong số 745 loài thực vật ở đây có tới 350 loài có khả năng sử dụng làm thuốc chữa bệnh và nhiều loài nằm trong danh mục quý hiếm, cần bảo vệ như: Kim giao, Chò đãi, Lát hoa, Lim xẹt. Rừng ngập mặn ở Cát Bà phân bố chủ yếu tại phía Tây Bắc đảo, với bãi sú vẹt tự nhiên lớn nhất Hải Phòng. Các loài cây phổ biến nơi đây: Đước xanh, Vẹt dù …

Được thiên nhiên ưu đãi cho sự đa dạng về hệ thực vật quý đa dạng, môi trường không khí và tiếng ồn chưa bị ô nhiễm nên Cát Bà là nơi có tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi Ong. Các loài hoa rừng là nguồn mật hoa, phấn hoa vô cùng lớn, quý giá đã tạo nên một thương hiệu mật ong hoa rừng Cát Bà bổ dưỡng. Mật ong của Cát Bà có màu vàng đậm, đặc sánh, với một vị thơm ngon cho giá trị dinh dưỡng cao. Đặc biệt mật ong Cát Bà vào vụ chiêm là tốt nhất, vì đây là thời điểm trong rừng có nhiều loài hoa quý nên chất lượng mật ong cao hơn hẳn. Mật ong trên đảo cũng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận thương hiệu "Mật ong Cát Bà" cho loại mật được lấy từ giống Ong "nội", một trong ba loài Ong quý hiếm nhất thế giới chỉ có ở vườn quốc gia Cát Bà.
Với tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng nên ngay từ giữa thập niên 90 người dân Cát Bà đã đầu tư phát triển nghề nuôi Ong lấy mật. Lúc đầu chỉ có vài hộ nuôi với số lượng đàn ít. Mỗi hộ 4 đến 5 đàn. Ông Trần Hữu San, một trong những người nuôi Ong đầu tiên ở xã Xuân Đám cho biết: Nuôi Ong không mất nhiều công sức, không mất nhiều vốn đầu tư mà hiệu quả kinh tế cao. Tại địa bàn đảo Cát Bà có rất nhiều hoa rừng, lại là các loài hoa quý nên các hộ nuôi không cho ăn đường, do đó mật ong đạt chất lượng cao. Lúc đầu gia đình ông nuôi có 5 đàn, sau đó thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt nên đã phát triển tới 20, 30 đàn. Mỗi năm thu gần trăm lít mật. Nghề nuôi Ong cũng mang lại thu nhập cho gia đình ông trên 60 triệu đồng.
Nghề nuôi ong phát triển rất nhanh trên đảo Cát Bà. Phong trào nuôi ong lấy mật được nông dân của Cát Hải thực hiện từ năm 1996. Từ chỗ chỉ có vài hộ nuôi, đến nay toàn huyện đảo Cát Hải đã thành lập 5 Câu lạc bộ nuôi Ong thuộc 6 xã, thị trấn với 130 hộ nuôi quy mô lớn và 170 hộ nuôi quy mô nhỏ. Nuôi Ong lấy mật được coi là một trong những nghề xóa đói giảm nghèo của nông dân Cát Hải vì đầu tư ban đầu thấp nhưng cho lãi suất cao. Anh Vũ Thanh Bình nông dân thị trấn Cát Bà là một điển hình trong nghề nuôi Ong. Anh là một trong những hộ nuôi sau nhưng anh nuôi nhiều và duy trì nghề đã lâu. Hiện tại anh nuôi gần 50 đàn Ong mật. Không chỉ làm giàu cho chính gia đình, anh Bình còn giúp đỡ cho nhiều hội viên nông dân khác về vốn, giống và kỹ thuật chăn nuôi để cùng vươn lên trong cuộc sống.
Hơn mười năm nay nghề nuôi Ong không những chỉ trở thành một trong những kế mưu sinh của nông dân các xã trên đảo Cát Bà mà thương hiệu mật ong đã trở thành thứ đặc sản quý giá, là niềm tự hào của người dân miền biển đảo, là sản phẩm được đông đảo khách du lịch tìm mua khi tới hòn đảo này.

Tuy nhiên, nghề nuôi Ong trên đảo Cát Bà cũng gặp phải không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là đầu ra cho sản phẩm. Lượng mật ong thu được hàng năm khá lớn, nhưng các hộ nuôi chủ yếu vẫn tự tiêu thụ. Một điều đáng nói nữa là hiện nay do giống ong nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu hộ nuôi nên nhiều hộ đã đi nhập giống ong từ nơi khác về, tuy là không nhiều song nguy cơ nó sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu " Mật ong Cát Bà".
Để nghề nuôi Ong thực sự trở thành một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và thương hiệu mật Ong Cát Bà thực sự được bảo tồn một cách bền vững huyện Cát Hải đang có những định hướng quan trọng cho nghề nuôi ong. Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cát Hải Phạm Vĩnh Toàn cho biết, với chức năng của cơ quan chuyên môn, phòng nông nghiệp đã tham mưu cho huyện thành lập hiệp hội nuôi ong, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo tồn giống Ong bản địa, duy trì được kỹ thuật nuôi và thực hiện nghiêm ngặt quy trình khai thác mật một cách khoa học, biết gắn kết chặt chẽ giữa các mô hình phát triển kinh tế với công tác quản lý bảo tồn. Tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ thường xuyên cho nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật. Tìm đầu ra ổn định và quản lý bình ổn giá mật ong.
Bảo tồn để phát triển – phát triển để bảo tồn đó chính là phương châm, hành động của huyện Cát Hải.
Hoàng Tản