CẢNH QUAN THIÊN NHIÊN VÀ CON NGƯỜI
Huyện đảo Cát Hải
có vị trí chiến lược quan trọng của thành phố Cảng Hải Phòng và vùng Đông Bắc Tổ
quốc. Trải suốt chiều dài lịch sử dân tộc, các thế hệ người dân huyện đảo đã có
những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước. Diện
tích tự nhiên toàn huyện là gần 345 km2, gồm hai đảo lớn: Cát Hải diện tích xấp
xỉ 40 km2 và Cát Bà hơn 300km2. Huyện Cát Hải nằm ở phía Đông Nam, cách trung
tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30km đường biển: Phía Bắc giáp thị xã Quảng Yên
(Quảng Ninh) qua dòng sông Phượng; phía Tây giáp bán đảo Đình Vũ, phía Đông và
Nam là vịnh Bắc Bộ.
Địa hình huyện
chia thành 2 vùng sinh thái và thổ nhưỡng rõ rệt: khu Đôn Lương (Cát Hải) và
khu Hà Sen (Cát Bà). Khu Đôn Lương là một bãi bồi bằng phẳng, nằm giữa 2 bán đảo
Phù Long và Đình Vũ, chạy từ bến Gót đến xã Hoàng Châu, dài 6km, rộng 2-2,5km,
gồm 5 đơn vị hành chính: thị trấn Cát Hải, xã Đồng Bài, Văn Phong, Hoàng Châu,
Nghĩa Lộ. Địa hình trống trải được cấu tạo bằng dãy cát pha chạy dọc, cao
2-2,5m rất dễ bị sóng triều xâm thực, xói mòn, Giữa các bãi cát bùn là các lạch
nước lớn và đầm lầy. Do đặc tính địa chất công trình và sự thiếu hụt bồi tích nên
ở đây có hiện tượng “trụt cát”. Đặc biệt, khu vực đình Gia Lộc, bờ bị xói lở mạnh,
do ở đây không có bãi biển mà chỉ có thềm mài mòn cấu tạo cát dài vài chục mét,
bên dưới là bãi triều cát rộng 3-5km bị ngập nước khi triều lên. Rìa phía Nam
xã Hoàng Châu và phía Tây thị trấn Cát Hải tuy đã có kè đá nhưng vẫn bị xói lở
và phá huỷ nếu gặp bão lớn. Phía Bắc đảo Cát Hải là bãi triều bùn rộng hàng km,
xưa kia thực vật ngập mặn phủ kín. Theo số liệu điều tra, từ năm 1938-1965, tốc
độ xói lở hàng năm là 18m. Khu Hà Sen là một vùng núi đá trùng điệp, chạy từ thị
trấn Cát Bà đến Gia Luận chếch theo hướng Tây Bắc – Đông Nam dài khoảng 25km,
chiều ngang trên dưới 10km gồm các đơn vị hành chính: thị trấn Cát Bà, xã Trân
Châu, Xuân Đám, Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long và Việt Hải. Nơi đây có quần đảo
Cát Bà – Long Châu với 388 đảo lớn nhỏ khác nhau. Tên gọi của các đảo phần lớn
thể hiện hình dáng của chúng mà con người tưởng tượng ra, như hòn Ớt, hòn Chuông,
Mai Rùa, Lã Vọng, hòn Guốc, Đuôi Rồng, hòn Báo, hòn Sư Tử, Vườn Quả…Quần đảo
Cát Bà chủ yếu là địa hình karst nhiệt đới bị ngập chìm do biển tiến gần đây. Hoạt
động karst đã tạo nên cảnh quan độc đáo, nhiều dạng địa hình đặc biệt như hang
động, măng đá, chuông đá, các giếng, phiễu karst và các thung lũng karst. Trên
quần đảo CátBà có các hang động nổi tiếng như: Hoa Cương, Trung Trang, Quân Y,
áng Mả, Thiên Long, Quả Vàng…
Đảo chính Cát
Bà rộng khoảng 144km2, là đảo đá vôi lớn nhất trong hệ thống quần đảo phía Nam
vịnh Hạ Long và vùng ven bờ Tây Biển Đông. Toàn đảo Cát Bà là vùng núi non hiểm
trở có độ cao từ 50-200m, độ dốc sườn núi trung bình 30-40 độ; nơi thấp nhất là
Áng Tôm, thấp hơn mặt nước biển 10-30m; đỉnh cao nhất là Cao Vọng nằm ở phía Bắc
đảo, cao khoảng 331m. Địa hình Cát Bà chủ yếu là núi đá vôi xen kẽ nhiều thung
lũng lớn nhỏ. Thung lũng lớn nhất là Áng Trung Trang (Vườn Quốc gia Cát Bà), rộng
300ha. Phía Nam là dải đất diệp thạch có độ cao trên dưới 200m, chạy sát bờ biển,
địa hình trơ trụi, chỉ được phủ một lớp cỏ thấp như Trân Châu, Xuân Đám, Hiền
Hào và thị trấn Cát Bà. Vùng chân đảo phía Tây-Tây Nam có dạng địa hình bãi bồi
với các rừng sinh thái ngập mặn Cái Viềng ( Phù Long), các áng kín gió và bãi
cát mịn. Qua quá trình phong hoá, rửa trôi, bồi tụ, đất đai trên đảo Cát Bà có
thể phân ra thành 5 nhóm chủ yếu như: Đất trên núi đá vôi có độ PH trung bình
phân bố rải rác trong vùng được thảm rừng che phủ; đất đồi (dạng pheralit) ít
chua mặn, gần trung tính, phân bố ở Trung Trang, Gia Luận, Việt Hải, Xuân Đám,
Hiền Hào; đất vùng thung lũng cạn ở Trung Trang, Gia Luận, Việt Hải có rừng tự
nhiên che phủ; đất thung lũng ngập nước phân bố ở các cánh đồng của các xã và Vườn
Quốc gia trên đảo. Về tài nguyên khoáng sản, ngoài đá vôi, đảo Cát Bà còn có
nguồn nước khoáng nóng có giá trị tại xã Xuân Đám.
Trên đảo Cát Bà
có các hệ sinh thái tiêu biểu như: rừng mưa ẩm nhiệt đới trên núi đá vôi, rừng
ngập mặn, rạn san hô, thảm rong cỏ biển, hệ sinh thái hang động, tùng áng…Rừng nguyên
sinh trên đảo, có đa dạng sinh học cao, đã thống kê được 1.588 loài thực vật,
trong đó có những loài gỗ quý như Kim giao, Trai lý, Chò đãi, Lát hoa và nhiều
cây làm thuốc như Thuyết giác, Xạ đen, Bình vôi, Cốt toái, Kim ngân, Lá khôi…Hệ
động vật trên cạn có trên 343 loài động vật có xương sống, gồm 58 loài thú, 205
loài chim, 80 loài bò sát ếch nhái, côn trùng 274 loài; trong đó có 25 loài quý
hiếm trong sách đỏ Việt Nam 2007, 24 loài trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP (theo
nguồn tài liệu Vườn Quốc gia Cát Bà, 2016). Đặc biệt, loài Voọc Cát Bà
(Trachypithecus policephalus) được ghi vào sách đỏ thế giới và sách đỏ Việt Nam,
là một trong 5 loài thú linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới hiện
đang được tổ chức WHO bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là loài linh trưởng chỉ tồn tại
duy nhất trên đảo và là biểu tượng của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà.
Sinh vật biển thuộc vùng biển - đảo Cát Hải cũng rất phong phú, đa dạng, Cá biển
196 loài, Rùa biển 4 loài, San hô 193 loài, động vật đáy 658 loài, động vật phù
du 131 loài, thực vật phù du 400 loài, rong biển 102 loài, thực vật ngập mặn 37
loài (theo nguồn tài liệu Vườn Quốc gia Cát Bà, 2016). Vịnh Lan Hạ là một trong
những vịnh biển trên đảo đẹp nhất thế giới nằm kề bên Di sản thiên nhiên thế giới
vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).
Vùng đất cổ Cát
Bà được hình thành từ cuối nguyên đại cổ sinh sớm (khoảng 410 triệu năm cách
ngày nay) nhờ chuyển động tạo núi Celadoni và chế độ lục địa kéo dài suốt nguyên
đại Trung sinh (cách ngày nay khoảng 240-267 triệu năm). Trong thế thuỷ cánh
tân (cách ngày nay 250 vạn năm đến 60 vạn năm) và thế cánh tân (cách ngày nay
60 vạn năm đến 1 vạn năm), có mối gắn kết giữa Cát Bà với Vịnh Hạ Long và với
các quần đảo thuộc Đông Nam Á. Tại quần đảo Cát Bà, các nhà địa chất đã phát hiện
được ranh giới chuyển tiếp giữa hệ Đêvon và Cacbon, ứng với sự thay đổi lớn về sinh
giới và sự biến đổi đột ngột các giá trị cổ tương tự như ở Tây Ban Nha. Ranh giới
này cực kỳ quý hiếm, có giá trị khoa học đặc biệt mang tầm khu vực và thế giới.
Nhiều di tích hoá thạch động vật và thực vật cổ xưa lưu giữ trong các tầng trầm
tích ở Cát Bà phản ánh những biến cố địa chất vĩ đại và tiến hoá của sự sống
hàng trăm triệu năm của khu vực này, hầu hết những phát hiện hoá thạch động vật
thời Cánh tân ở Hải Phòng đều có nguồn gốc từ quần đảo Cát Bà: năm 1991, những
hoá thạch tê giác đầu tiên được tìm thấy ở hang Đá Trắng (xã Gia Luận); năm
1998 phát hiện thêm được những hoá thạch quan trọng khác tại hang này, gồm một
răng nanh thuộc hàm trên và một răng nanh thuộc hàm dưới của một loại đười ươi
lùn, có tên khoa học là Pongo Pygmeaeus, hoá thạch răng lợn rừng, hươu, nai,
nhím…cách ngày nay khoảng 30.000 năm. Những phát hiện này không chỉ giúp các
nhà khoa học tìm hiểu quần xã động vật trên đảo từ hơn 3 vạn năm trước, mà còn
cung cấp những địa chỉ đáng tin cậy về môi trường sống của con người thời
nguyên thuỷ. Nhiều tài liệu đã chứng minh rằng, để có thể săn bắn được những
loài động vật hoang dã nói trên, con người cổ sinh sống trong môi trường đó đã
phải có cách thức tổ chức lao động và phân phối thức ăn mang tính tập thể, công
bằng và hợp lý.
Tài liệu khảo cổ
học đã xác nhận Cát Bà là một trong những nơi có con người nguyên thuỷ khá sớm.
Khoảng thời gian biển tiến (theo tài liệu địa chất là vào khoảng 17.000 - 9.000
năm cách ngày nay), hệ thống các đảo trong vịnh Bắc Bộ bị phân tách ra khỏi lục
địa. Lúc này, tại vùng biển đảo Hạ Long - Cát Bà đã có một nhóm cư dân chuyên sống
trong các hang động đá vôi, mà khảo cổ học gọi là cư dân văn hoá Hoà Bình (có
người gọi là văn hoá Soi Nhụ - tên một di chỉ khảo cổ học được phát hiện tại Vịnh
Hạ Long). Trong số 67 hang động chứa đựng dấu tích cổ sinh và khảo cổ tìm thấy ở
quần đảo Cát Bà như: Áng Giữa, Tiền Đức (xã Việt Hải), hang Giếng Ngóe (thị trấn
Cát Bà), cụm hang áng Mả và Mái đá Ông Bẩy (xã Hiền Hào)… đều có cùng nội dung văn
hoá vật chất như các di chỉ văn hoá Hoà Bình. Tầng văn hoá tìm thấy trong các
di chỉ ở Cát Bà không dày và chỉ có một tầng
văn hoá, chứng tỏ thời gian định cư không lâu. Tuổi xác định trên mẫu ốc
nước ngọt lấy từ hang áng Mả, Mái đá Ông Bẩy bằng phương pháp C14 cho biết niên
đại tồn tại của văn hoá Hoà Bình ở Cát Bà là từ 25.000 đến 15.000 năm. Riêng
các công cụ cuội mài tìm thấy trong hang Eo Bùa lại thuộc về một giai đoạn muộn
hơn và có thể tuổi nhóm di tích tương đồng với Eo Bùa còn kéo dài đến khoảng
trên dưới 10.000 năm, thậm chí chỉ trước tuổi của di chỉ Cái Bèo không xa.
Điều này đã chứng
tỏ lớp cư dân cư trú trên quần đảo Cát Bà nói riêng và vùng ven biển Đông Bắc
nói chung thuộc giai đoạn muộn của văn hoá Hoà Bình chính là tổ tiên của cư dân
thuộc nền văn hoá Hạ Long, Cái Bèo sau đó. Khi đường bờ biển được hình thành về
cơ bản giống như ngày nay (quãng biển tiến Holocene trung, cách ngày nay khoảng
7.000-5.000 năm), con người cư ngụ ở vùng biển Đông Bắc đã có những thay đổi
căn bản về phương thức cư trú. Họ từ trong hang động bước ra ngoài bãi biển. Sự
thay đổi mang ý nghĩa như một cuộc cách mạng kinh tế trong thời tiền sử ở Cát
Bà được phản ánh khá rõ nét trong các di chỉ khảo cổ học Cái Bèo (thị trấn Cát
Bà), Ao Cối (xã Phù Long), mái đá Vạ Bạc (xã Xuân Đám)… Chủ nhân di chỉ Cái Bèo
đã thành thạo nghề đánh cá biển ở các cửa sông hay vụng biển quanh vùng. Qua
nghiên cứu các đốt sống xương cá trong các tầng văn hoá di chỉ Cái Bèo, Ao Cối,
Xé Bạc…cho biết người cổ Cát Bà đã đánh bắt được nhiều loài cá lớn. Tuổi của
làng cổ Cái Bèo được xác định bằng phương pháp C14 là vào khoảng 6475+-205 năm
và 5645+-115 năm cách ngày nay. Theo tính toán của các nhà địa chất học, ở thời
điểm này, biển còn ở xa bờ hơn hiện nay.
Di chỉ Cái Bèo
và di chỉ Ao Cối đều có địa tầng khá dày (hơn 2m) với đặc điểm là: chủ nhân của
các di chỉ này chủ yếu sinh sống ở ngoài trời, đã biết đi biển đánh cá và khai thác
thức ăn rừng, chặt cây làm nhà, làm thuyền, biết chế tạo đồ gốm. Công cụ lao động
chủ yếu là rìu kiểu Xumatra (những viên cuội hình tròn hay bầu dục, to vừa tầm
tay cầm, được ghè đẽo qua loa ở hai mặt hoặc chỉ ở một mặt. Loại rìu này lần đầu
tiên được tìm thấy ở ven đảo XumatraInđônêxia), rìu ngắn, rìu dài, nạo, chày và
bàn nghiền, bàn mài bằng đá, lao đá, đồ gốm thô có vết nan tre và hoa văn vặn
thừng, chì lưới bằng đá…Phần lớn các nhà nghiên cứu đều nhận định rằng nguồn sống
chính của người cổ Cái Bèo vẫn là hái lượm và đánh cá. Căn cứ vào số lượng chày
và bànnghiền, có thể đoán rằng ngũ cốc đã là một loại lương thực quan trọng,
nhưng chưa tìm thấy bằng chứng đích xác của kinh tế nông nghiệp, còn dấu vết của
nghề đánh cá thì khá nổi bật ở di chỉ Cái Bèo, Ao Cối, mái đá Xé Bạc.
Nhóm cư dân Cái
Bèo, Ao Cối định cư muộn hơn nhóm cư dân văn hoá Hoà Bình, nhưng lại sớm hơn
nhóm cư dân văn hoá Hạ Long trên quần đảo Cát Bà. Di chỉ khảo cổ học thuộc văn
hoá Hạ Long trên đảo Cát Bà khá đậm đặc như lớp trên của di chỉ Cái Bèo, di chỉ
Bãi Cát Đồn, Suối Gôi, Bãi cát Cánh Phượng (Xuân Đám)… nhưng điển hình nhất là
địa điểm Bãi Bến (xã Hiền Hào). Địa tầng của di chỉ Bãi Bến (Hiền Hào) thuần là
đất cát, dày hơn 1m và chứa đầy các di vật đặc trưng như: gốm xốp, rìu bôn có
vai, có nấc, loại bàn mài rãnh Hạ Long, gốm xốp Hạ Long được nặn tay với kỹ thuật
khá thành thạo…Tuổi C14 của di chỉ Bãi Bến cách khoảng 3.400-3.900 năm ngày
nay. Con người Bãi Bến đã biết sử dụng kỹ thuật cưa, khoan, tiện đá và tu ép chỉnh,
cho nên chế tạo được công cụ đá đẹp và tốt hơn trước rất nhiều. Tất cả các chế
phẩm tìm thấy ở Bãi Bến đều nhẵn nhụi, có hình thù chính xác và rất đẹp. Nghề
đánh bắt ở các di chỉ thuộc văn hoá Hạ Long trên quần đảo Cát Bà không rõ ràng như
giai đoạn trước: trong tầng văn hoá thường ít gặp xương cá, vỏ sò, điệp. Có lẽ,
lúc này đánh cá không còn là nghề quan trọng nhiều nữa, bên cạnh săn bắn, hái
lượm vẫn được duy trì, nhưng trồng trọt và chăn nuôi đã trở thành nguồn sống chủ
yếu của người Bãi Bến. Tại các di chỉ văn hoá Hạ Long ở Cát Bà đã tìm thấy dấu
vết của nghề dệt, kỹ thuật luyện kim, công cụ đá được lắp vào cán gỗ vững vàng
và tiện lợi hơn, kỹ nghệ đồ gốm có bước tiến vượt bậc (nặn bằng bàn xoay và
nung trong lò). Qua các di chỉ thuộc văn hoá Hạ Long đã phát hiện cho thấy, con
người thời kỳ này trên đảo Cát Bà đã tụ tập thành làng xóm khá trù mật, biết làm
nhà cửa chu đáo, có bếp, nồi niêu, bát đĩa và các đồ dùng khá đầy đủ, đồ trang
sức cũng hết sức phong phú.
Như vậy trên quần
đảo Cát Bà, người nguyên thủy xuất hiện khá sớm, cách đây 2,5-1,5 vạn năm. Nơi ở
của họ, những mái đá, những hang động Trung Trang, Giếng Ngóe, Tiền Đức, Hoa
Cương(Gia Luận), Thiên Long (Phù Long), Hang Rí… là những ngôi nhà tuyệt vời do
tạo hoá xây dựng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông và an toàn trước sự tấn
công của mọi kẻ thù. Cư dân cổ ở các làng biển Cát Bà đã biết mài đá làm công cụ
và làm đồ gốm đáy tròn, tức là đi từ kỹ thuật nặn đồ gốm bằng tay đến kỹ thuật
làm đồ gốm bằng bàn xoay, biết đi biển đánh cá bằng thuyền, biết trồng lúa nước,
phát triển chăn nuôi, làm vườn trồng cây ăn quả, cây ăn củ. Người cổ Cát Bà
chính là một bộ tộc thành viên của người Lạc Việt, cư dân của quốc gia Văn
Lang, Âu Lạc sau này.