VĂN HÓA – TÍN NGƯỠNG
Trong tiến trình lịch sử khai mở vùng hải đảo này, nhờ sống trên biển, chú trọng khai thác biển, nên người Cát Hải có thế ứng xử với biển, vừa có nét riêng, nhưng cũng vừa có nét tương đồng với cư dân vùng biển Đông Bắc Tổ quốc. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió này, với sức sống kỳ diệu, sáng tạo, Nhân dân Cát Hải đã tạo dựng cho mình nhiều hoạt động văn hoá độc đáo, phong phú và đa dạng như: hội đua thuyền truyền thống ở các làng Phù Long, Hoà Hy, Gia Lộc, hội xa mã ở Hoàng Châu, hội mùa xuân ở Hiền Hào, Trân Châu, đặc biệt là hội đua thuyền rồng trên biển của huyện vào dịp lễ hội Làng cá Cát Bà-Cát Hải 31/3 hằng năm.
Đời sống vật chất đa dạng và cuộc sống xã hội phong phú đã làm nảy nở nền nghệ thuật và sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc. Hát hò trong lao động, hát đối đáp trong các dịp hội hè là hình thức sinh hoạt không thể thiếu của người Cát Hải. Hàng năm, vào những ngày đầu xuân, Nhân dân các làng Gia Lộc, Cao Minh, Phù Long thường tổ chức hội đua thuyền và đánh cá tế thần truyền thống. Sự tích về miếu thờ Các Bà, về Hòn Guốc, bãi Phù Long, về cây Kim Giao…từ bao đời nay luôn thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Làng Hoàng Châu là quê hương của tục đua ngựa gỗ trên bãi cát. Xã Trân Châu có kho tàng văn hoá dân gian truyền miệng hết sức phong phú…Hiếu học là truyền thống quý báu và cũng là một đức tính tốt đẹp của nhân dân Cát Hải. Bia đình Hoàng Châu còn lưu danh tên tuổi những người đặt nền móng cho truyền thống hiếu học của quê hương.
Với bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ cao, Nhân dân Cát Hải đã tạo một công trình kiến trúc- nghệ thuật nổi tiếng như: toà cổ miếu Văn Chấn mang phong cách kiến trúc-nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ 15); Tấm bia đá “Tân tạo thạch bi” ở chùa Gia Lộc dựng năm Cảnh Thịnh tứ niên (1797) là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật có giá trị, góp phần làm rạng danh nền mỹ thuật nước nhà; đình Đôn Lương được xây dựng từ thời Lê Cảnh Trị (1663-1671) một công trình kiến trúc-nghệ thuật sáng giá. Đặc biệt, cầu đá Gia Lộc và khu thành đồn nhà Mạc ở Xuân Đám đều là những công trình thể hiện tri thức sâu rộng của người Cát Hải về mọi mặt, nhất là về khả năng tính toán chính xác, óc thẩm mỹ và nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc.
Trước kia, với nghề biển, cả đời sống trong may rủi, nên người Cát Hải thường tin vào sức mạnh của thần linh. Bên cạnh việc tôn thờ các vị nhân thần là người có công với dân với nước, hoặc khai canh, khai cơ làng xóm, nhiều làng xã ở Cát Hải cùng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Thiền sư Không Lộ (Nhân dân thường gọi là đức Khổng Lồ) là những vị thần linh bảo trợ tinh thần cho ngư dân nhiều miền sông nước. Có làng thờ hai, ba vị thần, thậm chí năm, sáu vị thần. Không thấy làng xã nào ở Cát Hải chỉ thờ cúng một vị thần. Trải qua bao biến thiên, tục xưa lệ cũ bị thất truyền, nhiều khi ngay cả những người thay mặt cho dân làng chuyên lo việc thờ cúng cũng chẳng biết sự tích các vị thần dân làng mình thờ là ai.
Cát Hải có hơn 100 di tích, trong đó có 12 di tích được xếp hạng gồm 04 di tích cấp Quốc gia ( nơi Bác Hồ về thăm Làng cá, Di chỉ học khảo cổ Cái Bèo, danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà, Đình chùa Hoàng Châu) và 8 di tích cấp thành phố ( Chùa Hòa Hy, Đình chùa Gia Lộc, Đình miếu Nghĩa Lộ, Đình chùa Văn Chấn, Đình Trân Châu, Đình Phù Long, Đồn cổ xã Xuân Đám, Từ đường dòng họ Lê Quang-xã Nghĩa Lộ).
|
PVH
|