Phát triển kinh tế ổn định và bền vững
Theo CHỦ TỊCH (CT) UBND HUYỆN CÁT HẢI BÙI TRUNG NGHĨA phát triển kinh tế phải trong thế ổn định và phải phát triển bền vững. Do vậy, trong định hướng phát triển kinh tế, huyện không chấp nhận các dự án đầu tư có khí thải và rác thải, mà ưu tiên cho các dự án đầu tư về du lịch và dịch vụ. Đầu tư gắn liền với công tác bảo vệ và gìn giữ môi trường.
- Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng của TP Hải Phòng, những năm qua, huyện đảo Cát Hải đã khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh của mình để đạt được những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội, thưa Chủ tịch ?
CT Bùi Trung Nghĩa: Huyện Cát Hải được thành lập năm 1977 trên cơ sở hợp nhất 2 huyện đảo Cát Bà và Cát Hải cũ, với trung tâm hành chính - chính trị đặt tại đảo Cát Bà. Địa bàn huyện Cát Hải ngày nay vốn là một đơn vị hành chính được thành lập vào loại xưa nhất của TP Hải Phòng. Là huyện đảo nhưng cũng không quá xa đất liền, có nhiều tiềm năng tự nhiên, đặc biệt là biển và rừng, cảnh quan mà thiên nhiên ban tặng cho Cát Bà. Hiện nay, trên cơ sở tiềm năng lợi thế của mình, huyện đảo đã xác định khai thác, tập trung phát huy tiềm năng lợi thế phục vụ cho hai ngành kinh tế chính là kinh tế du lịch và thủy sản. Trong xu thế phát triển kinh tế chung, huyện Cát Hải được Trung ương và thành phố xác định định hướng phát triển chính là phát triển đảo Cát Hải thành trung tâm dịch vụ cảng biển tầm cỡ quốc gia và quốc tế và đảo Cát Bà với chiến lược lâu dài là xây dựng trung tâm du lịch dịch vụ thủy sản của quốc gia và quốc tế. Hiện nay tại khu vực đảo Cát Hải đang được Trung ương đầu tư hai dự án trọng điểm quốc gia là dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và dự án cầu nối liền đất liền ra đến đảo Cát Hải. Đây là hai dự án tương đối lớn, hiện nay huyện đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch có thể cho biết một số thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của huyện đảo thời gian qua?
Trong những năm qua, dưới sự quan tâm của thành phố với những ưu ái, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất, quảng bá cho du lịch Cát Bà ở trong và ngoài nước, ngành kinh tế du lịch và thủy sản của huyện đã đạt rất nhiều thành tựu với tốc độ tăng trưởng cao. Về lĩnh vực du lịch, lượng khách và chất lượng khách đến với Cát Bà hàng năm đều tăng. Trong năm 2012, tuy suy thoái kinh tế, nhưng lượng khách đến Cát Bà vẫn tăng trên 11%; đến năm 2013, huyện phấn đấu lượng khách du lịch đến với Cát Bà là 1.500.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế có khoảng 400.000 lượt. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng về điện, nước, giao thông đến Cát Bà cũng đã được nhà nước đầu tư khá ổn định. Hiện nay đến với Cát Bà, ngoài đường bộ, đường thủy cũng rất thuật lợi, điện lưới quốc gia cũng đã ra đảo từ năm 1998, hiện ngành điện lực đang nâng lưới điện từ 35kV lên 110kV. Đây là các điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Về lĩnh vực văn hóa- xã hội, riêng về lĩnh vực giáo dục, hiện nay huyện đảo cũng đã có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia ở bước 1 và bước 2; đến nay, 100% tất cả trường học từ mầm non đến phổ thông đều được xây dựng cao tầng kiên cố hóa, khang trang, đủ điều kiện đáp ứng tốt yêu cầu về giáo dục. Về y tế, trên địa bàn huyện có hai bệnh viện và các trạm y tế xã, trong đó 2 bệnh viện đã được đầu tư cơ sở vật chất, kể cả trang thiết bị của y tế như một số máy móc hiện đại như máy chụp X-quang, máy nội soi… nhờ đó khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân và du khách tốt hơn. Về an sinh xã hội, đây là vấn đề huyện rất quan tâm và đã có chủ trương cụ thể, vì trong xu hướng phát triển kinh tế thị trường, mà huyện đảo lại có đặc thù phát triển chính là về du lịch và dịch vụ, do vậy dễ dẫn đến khoảng cách thu nhập giữa các đối tượng lao động ở khu vực dịch vụ có tốc độ tăng nhanh hơn, thu nhập cao hơn; còn lĩnh vực nông nghiệp thì có thu nhập thấp hơn. Về lĩnh vực quốc phòng và an ninh, là đảo quốc phòng nên lực lượng vũ trang trên đảo đầy đủ, có công an, biên phòng, hải quân, có đơn vị quan sát về phòng không không quân. Ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế còn có nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng an ninh.
![]()
- Thưa Chủ tịch, bên cạnh những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được, Cát Hải cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức?
CT Bùi Trung Nghĩa: Cũng như nhiều địa phương, đơn vị, các ngành, trong điều kiện kinh tế khó khăn của toàn cầu và kinh tế trong nước, lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật của huyện cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Trong khi đó, do điều kiện kinh tế nên nhu cầu du lịch cũng giảm đáng kể. Đây là khó khăn, thách thức chung, ảnh hưởng trực tiếp không chỉ riêng huyện Cát Hải. Bên cạnh những khó khăn chung, hiện nay huyện đang được thành phố, các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo về vấn đề môi trường. Huyện đã xác định bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn đối với các hoạt động KT - XH nói chung, đặc biệt là đối với lĩnh vực du lịch dịch vụ. Huyện rất quan tâm đến vấn đề gìn giữ và bảo vệ môi trường, trong đó công tác vệ sinh môi trường, công tác môi trường về sinh thái cảnh quan, phải bảo tồn, phát huy được giá trị thiên nhiên đã ban tặng cho Cát Bà như biển, rừng, núi, hang động.
- Vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ bền vững môi trường là hướng đi chiến lược của Cát Hải ?
CT Bùi Trung Nghĩa: Hiện nay, huyện Cát Hải quan tâm phát triển phải trong thế ổn định và phải phát triển bền vững. Do vậy, trong công tác về định hướng phát triển kinh tế, huyện đã ưu tiên cho các dự án đầu tư về du lịch và dịch vụ. Đầu tư phải gắn liền với công tác bảo vệ và gìn giữ môi trường. Theo đó, đảo Cát Bà được xác định là phát triển về du lịch dịch vụ cho nên huyện không chấp nhận tất cả các dự án đầu tư có khí thải và rác thải. Với những dự án đã đầu tư từ những năm trước phát sinh ra khí thải, nước thải, rác thải, huyện đã yêu cầu di chuyển đến nơi khác. Đồng thời, huyện cũng đã có rất nhiều biện pháp để tăng cường công tác bảo vệ và gìn giữ môi trường, ngay từ trong từng người dân.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND ngày 15/7/2010 của HĐND TP về nhiệm vụ, giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn ở nông thôn trên địa bàn TP Hải Phòng giai đoạn 2010 – 2020, đến nay, về cơ bản huyện Cát Hải đã hoàn thành. Hiện nay, 100% rác thải từ khu vực nông thôn, các địa phương đã được đưa về các bãi xử lý tập trung, bảo đảm theo yêu cầu. Trên địa bàn huyện ngoài hai bãi rác tập trung, không có điểm nào tụ đọng rác. Để bảo đảm việc gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, năm 2010 huyện đã thành lập Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, ngoài nhiệm vụ quản lý còn có nhiệm vụ bảo đảm công tác bảo vệ môi trường ở khu vực mặt nước dưới vịnh. Ngoài ra, trong chương trình phát triển của huyện luôn lồng ghép và đều có cam kết đưa ra; theo đó, phải có và được thông qua phương án bảo vệ môi trường; đồng thời với việc phê duyệt dự án, dự án chỉ được triển khai khi đã được phê duyệt phương án đánh giá tác động môi trường.
- Năm 2013, Hải Phòng đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng, cũng là năm mà Cát Hải đặt ra mục tiêu du lịch - giải phóng mặt bằng - phát triển bền vững, vậy đâu là những giải pháp thực hiện mục tiêu này, thưa Chủ tịch ?
CT Bùi Trung Nghĩa: Năm 2013, Hải Phòng được Trung ương đồng ý là địa phương đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng, trong đó huyện Cát Hải cũng được thành phố giao cho thực hiện một số nội dung, hoạt động nằm trong chương trình của Năm du lịch quốc gia. Để phục vụ cho Năm du lịch quốc gia cũng như thực hiện mục tiêu năm 2013 của huyện là du lịch - giải phóng mặt bằng - phát triển bền vững, huyện Cát Hải đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, tiến hành xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện các hoạt động của Năm du lịch quốc gia. Bên cạnh những hoạt động mang tính chất thường niên, cũng có hoạt động mới trong năm 2013 như Hội nghị quốc tế Khoa học và tư duy đời sống lần đầu tiên Việt Nam được đăng cai tổ chức, sẽ diễn ra tại Cát Bà, dự kiến sẽ có khoảng 400 khách quốc tế tham dự.
- Xin cám ơn Chủ tịch!
Theo Báo Đại biểu nhân dân